Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Micro chống hú???

Hôm bữa mình có dịp đi mua một bộ micro không dây cho một người bạn. Vào cửa hàng, mình được người bán giới thiệu một bộ micro có chức năng chống hú. Người bạn đi theo mình nghe nói micro chống hú thì thích quá, cứ nằng nặc đòi mua. Thôi thì mua cho người ta, người ta đã tỏ ý như vậy, không lẽ lại kêu không mua.

Chuyện nó là như vậy, hôm nay ngồi nghĩ lại, tự nhiên mình có hứng viết về micro chống hú này.

Trước khi đi vào chuyện "chống hú" mình xin đề cập một chút đến chuyện "hú" cái đã. Tài liệu tiếng anh họ dùng chữ feedback, dân ta thì gọi là "hú". Feedback là trường hợp xảy ra, khi tín hiệu từ loa vọng vào micro, được micro khuyếch đại lên, phát ra loa, lại vọng về micro. Cái vòng luẩn quẩn này xảy ra rất nhanh, hậu quả là gây ra tiếng hú rít rất khó chịu từ loa. Nếu không nhanh chóng dẹp bỏ được tiếng hú rít này, vòng lặp xảy ra tiếp túc sẽ làm cho ampli bị quá tải, dẫn đến cháy ampli hoặc cháy loa. Lý thuyết nó là vậy, nhưng trên thực tế, nếu ta cầm micro đứng ở khoảng cách tương đối với loa, thì nếu có feedback xảy ra, feedback này chỉ là vài "xung" có đỉnh cao quá so với các "xung" khác, và tiếng hú sẽ có đặc thù tùy theo "xung" cao nhất. Một soundman "xịn" thì phải nghe và phân biệt được "xung" nào gây ra tiếng hú để xử lý.

Xin nói qua về hệ thống karaoke, trải qua thời gian dài, các ông lớn trong ngành karaoke đã không ngừng nghiên cứu để nâng cao hiệu suất của âm thanh karaoke, trong đó có việc hạn chế feedback. Và cách đơn giản nhất để làm chuyện này là xử lý sao cho loa và micro có các "xung" hay "kiếm chuyện" nhất bị suy giảm nhiều nhất. Dĩ nhiên, việc làm suy giảm các "xung" ấy sẽ làm âm thanh không còn nguyên vẹn dẫn đến có thể làm cho âm thanh mất hay. Về vấn đề này, họ cũng đã nghiên cứu và tìm được cách cân bằng giữa việc giảm tiếng hú, và đảm bảo chất âm. Túm cái vấn đề lại là họ sẽ làm suy giảm trong khả năng có thể miễn sao ít hú và âm thanh vẫn hay là được.

Vậy thì các bộ micro không dây rẻ tiền (dưới 10 triệu VNĐ) có chức năng chống hú, thực ra là đã bị làm suy giảm đi khá nhiều các tần số "nhạy" dễ gây hú ở các dàn karaoke gia đình. Nếu ta dùng các bộ micro này để hát karaoke thì chẳng có gì để nói, âm thanh chấp nhận được, lại ít bị hú rít này nọ.

Tuy vậy, việc sử dụng các bộ micro này trong âm thanh sân khấu (PA Sound System) lại gây ra nhiều vấn đề. Chính vì các bộ micro này đã bị làm suy giảm những tần số nhất định, đã làm cho âm thanh nó tái tạo lại từ ca sĩ không còn nguyên vẹn. Theo kinh nghiệm bản thân mình, thì các micro này thiếu hụt ghê gớm các tần số "đẹp" của giọng ca ở quãng mid-high, và bị nâng cao các tần số khác ở quãng mid-low làm cho giọng hát không sáng, không trong và dĩ nhiên không hay.

Đa phần người Việt Nam chúng ta, ít khi nghe âm nhạc ở mức thưởng thức, chỉ cần có "tiếng" và to là được rồi, ít chú ý đến chi tiết. Chính vì tâm lý này, khiến cho micro "chống hú" lên ngôi, nhờ giá thành rẻ, soundman thoải mái do hệ thống ít bị hú, âm thanh ra chấp nhận được. Tâm lý này cũng đúng ở việc ta ít khi mua CD "gốc" để nghe, mà chăm chăm lên internet download mp3 "chùa" về nghe. MP3 là âm thanh đã bị nén, nên nó cũng bị suy giảm nhiều "xung" so với CD "gốc", ấy thế mà ta nghe vẫn thấy hay, thấy đủ, thấy...bùm bùm. Hậu quả tai hai là ta tự làm "nhụt" cái khả năng thẩm âm của ta.

Càm ràm quá, thôi thì chốt cái vấn đề lại là, micro chống hú thực chất là micro "thiếu tiếng" vậy thôi, ai dùng nghe thấy tiếng hay thì mua về dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét